Ngày 18/8/2024, (nhằm ngày 19/07/Giáp Thìn), Đại đức Thích An Phúc – Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An, Phó thư ký kiêm chánh văn phòng BTS GHPGVN huyện Vĩnh Hưng, Trụ trì Đạo tràng Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An trang nghiêm tổ chức Đại lễ Vu lan – Báo hiếu PL 2568.
Chứng minh Đại lễ có: Trưởng lão Hoà thượng Thích Thiện Huệ-Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Long An; Hoà thượng Thích Quảng Ý – Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Long An, Chứng Minh BTS GHPGVH huyện Vĩnh Hưng; Hoà thượng Thích Huệ Hồng– Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Long An; Hoà thượng Thích Minh Thiện – Uỷ viên Hội đồng Trị sự, Phó Ban Hoằng Pháp TƯ , Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Long An; cùng chư Tôn đức trong ban thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An, Chư tôn đức BTS GHPGVN các huyện thuộc tỉnh Long An, Chư tôn đức Trụ trì các tự viện trong tỉnh Long An đồng về chứng minh tham dự.
Tai buổi lễ các em Thanh thiếu niên Phật tử Đạo tràng Khánh Hưng dâng lên những lẵng hoa tươi thắm cúng dường Tam Bảo và hiện tiền Chư tôn đức Tăng Ni.
Trong niềm hoài cảm sâu sắc hướng về hai đấng sinh thành, đại chúng đã cùng lắng đọng tâm tư nghe Phật tử Diệu Thu tuyên đọc bài cảm niệm Vu lan. Từng lời của Phật tử cất lên đã làm cho những trái tim thổn thức nhớ lại hình ảnh của hai đấng sinh thành đã hy sinh dành cả cuộc đời của mình để che chở cho những đứa con và nhắc nhở mỗi người con hãy làm tròn chữ hiếu khi còn có thể. Trong dòng cảm xúc về cha về mẹ, những bông hồng đã được trân trọng cài lên ngực những người con hiếu thảo.
Đại chúng lắng lòng nghe lời Đạo từ về tinh thần hiếu đạo của Hòa thượng Thích Minh Thiện- Ủy viên HĐTS, Phó Ban Hoằng pháp trung ương, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An). Trong lời đạo từ Hòa thượng nhấn mạnh, “Từ khi Phật giáo gia nhập vào Việt Nam, ngày Lễ Vu lan (ngày rằm tháng Bảy hằng năm) đã trở thành truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng tôn thờ Tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt. Qua quá trình du nhập và phát triển hơn hai ngàn năm tại Việt Nam, đến nay giá trị văn hóa này đã trở thành một đạo nghĩa của dân tộc Việt Nam; Trong đó, nghi thức “Bông hồng cài áo” mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Ông cha ta luôn răn dạy không phúc nào lớn hơn phúc Hiếu kính, không tội nào nặng bằng tội bất kính với mẹ cha. Trong khi đó, Phật pháp cũng dạy cha mẹ trong nhà chính là Phật ở đời. Đạo thờ ông bà tổ tiên của người Việt đã gặp gỡ Phật giáo ở điểm này và người Việt đã lấy ngày rằm tháng 7 là dịp để mong cầu Đức Phật gia trì để tổ tiên được siêu thoát, cha mẹ, ông bà được bình an. Hòa thượng nhắc nhở đại chúng, trong lễ Vu Lan, mọi người cần nhớ tới 4 ơn cao cả. Đó là ơn Tam Bảo tế độ, ơn Quốc gia che chở mình, ơn thầy cô dạy bảo và ơn tất cả mọi người trong xã hội. Hòa thượng cũng nhắc về tấm gương đạo hiếu của ngài Mục Kiền Liên, là một trong 10 thánh đại đệ tử của Đức Phật. Qua đó, Hòa thượng sách tấn đại chúng hãy soi rọi cuộc sống của chính mình, dù có ở địa vị nào, lớn tuổi ra sao vẫn là những đứa con nhỏ trong mắt cha mẹ. Trong dịp Đại lễ Vu lan, mọi người nên làm những điều thánh thiện nhất. Con cái phải nhìn lại xem mình đã hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ thế nào. Ngược lại, mẹ cha cũng phải xem đã làm hết thiên chức của mình chưa. Bên cạnh đó, mọi người cũng phải san sẻ tình yêu thương tới mọi người. Vu Lan chỉ là tháng trọng tâm nhưng việc hiếu nghĩa cần phải thực hành cả đời này. Anh em hòa thuận, con cháu phụng dưỡng cha mẹ, ông bà. Vu Lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo, ngày lễ lớn đối với những người con Phật mà còn đi vào truyền thống đạo đức, trở thành một nét văn hóa đẹp, thấm sâu trong tâm thức của hàng triệu triệu người Việt Nam hàng nghìn năm nay ./
Tin: An Chương