Sáng ngày 18 tháng 9 năm 2022 (nhằm ngày 23/08 năm Nhâm Dần), Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An trang nghiêm cung đón phái đoàn Ban Văn hóa Trung ương (BVHTƯ) GHPGVN; Viện Nghiên cứu Tôn giáo (thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN); Viện Bảo tồn di tích, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia VN cùng các cơ quan nghiên cứu đến khảo sát “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam: Thống nhất trong đa dạng”.

Phái đoàn do TT.Thích Thọ Lạc – UV Thư ký HĐTS, Trưởng ban Văn hóa (BVH) TƯ GHPGVN làm Trưởng đoàn; HT.Bửu Chánh – UVTT HĐTS, Phó trưởng Ban Thường trực BVH TƯ; TT.Thích Minh Tiến – UV HĐTS, Phó trưởng BVH TƯ; TT.Thích Giác Nghi – UV HĐTS, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Bạc Liêu; chư Tôn đức Tăng, Ni trong BVH TƯ và các tỉnh thành cùng các nhà khoa học: PGS.TS Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm KHXHVN); TS.Tạ Quốc Khánh – Trưởng phòng Nghiên cứu Di tích và Bảo tồn Di tích (Viện Bảo tồn Di tích); Ths.Nguyễn Thị Thu Hoan – PGĐ Bảo tàng Lịch sử VN; Ths.KTS Nguyễn Minh Quang – Giám đốc CTCP Văn hoá Truyền thống Kim Liên; PGS.TS Vương Ngọc Lưu – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Hồng Dương – nguyên Viện trưởng Viên Nghiên cứu Tôn giáo cùng các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học cùng tháp tùng đoàn.

Về phía BTS GHPGVN tỉnh Long An tiếp đón đoàn có: Hoà thượng Thích Minh Thiện – UV HĐTS, Phó ban Hoằng pháp TW, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Long An; Chư tôn đức Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An: Thượng toạ Thích Minh Thọ, Thượng toạ Thích Đức Hoàng, Thượng toạ Thích Lệ Trí, Đại đức Thích Lệ Duyên, Đại đức Thích Lệ Ngôn; Sư cô Thích nữ Bảo Giác – Trưởng Ban Văn hoá GHPGVN tỉnh Long An; cùng chư Tôn đức trong Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Long An, thành phố Tân An, huyện Cần Giuộc; chư Tôn đức Tăng, Ni thành viên Ban Văn hóa Phật giáo tỉnh Long An.

Thay mặt phái đoàn, Thượng toạ Thích Thọ Lạc – Trưởng ban Văn hoá TW có lời phát biểu: Thượng tọa nói về mục đích của chuyến công tác này, Ban Văn hoá TƯ phối hợp cùng Phật giáo địa phương, các nhà nghiên cứu dành thời gian tìm hiểu để có phương án gìn giữ, bảo quản, bảo tồn các ngôi chùa, tự viện thuộc kiến trúc và di sản của người xưa để lại. Việc làm này thuộc Đề án Kiến trúc – là một trong 4 đề án lớn (Pháp phục, Ngôn ngữ, Kiến trúc và Di sản) mà những năm qua Ban Văn hoá TƯ GHPGVN đề xướng và thực hiện. Thượng tọa lời tri ân Hòa thượng Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Long An, Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Long An đã tháp tùng cùng phái đoàn trong chuyến công tác tại Long An, Thượng tọa còn ghi nhận sự phối hợp cùng Ban Văn hóa TW trong các công tác Phật sự trong hiện tại và tương lai.

Hòa thượng Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Long An có lời phát biểu. Hòa thượng tỏ lòng cảm kích, tán dương công đức của phái đoàn Ban Văn hóa TW đối với chuyến công tác lần này. Đây là việc làm góp phần tạo điều kiện để Phật giáo địa phương có điều kiện thống kê, bảo tồn các di sản Phật giáo được tốt hơn. Hòa thượng tin tưởng sự phối hợp của Ban Văn hóa TW và Phật giáo 63 tỉnh thành sẽ góp phần tạo kết quả tốt đẹp để GHPGVN tiếp nối trọng trách thống nhất tổ chức Phật giáo về tông chỉ hoạt động, tư tưởng, hành động và đặc biệt là kế thừa sự nghiệp tiền nhân, định hướng tương lai. Cuối lời, Hòa thượng gửi lời chúc sức khỏe, đại kiết tường đến phái đoàn.

Trong chuyến công tác lần này ở tỉnh Long An, phái đoàn đã đến khảo sát tại ba điểm: Tổ đình Tôn Thạnh (huyện Cần Giuộc), chùa Long Phước (TP. Tân An), tịnh xá Ngọc Tâm (TP. Tân An).

Điểm đến đầu tiên là Chùa Tôn Thạnh (Cần Giuộc, tỉnh Long An). Ngôi chùa lưu giữ nhiều biểu tượng và di sản văn hoá giá trị tại ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc. Đây cũng chính là trụ sở của BTS GHPGVN huyện GHPG Cần Giuộc.

Chùa do Thiền sư Viên Ngộ xây dựng vào năm Gia Long thứ 7 (1808) với tên gọi là chùa Lan Nhã.

Năm 1841, chùa đổi tên thành Tôn Thạnh.

Ngày 27/11/1997, chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích cấp Quốc gia theo quyết định số 2890-VH/QĐ.

Chùa Tôn Thạnh gắn liền với sự nghiệp văn chương của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Năm 1859-1862, Thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) nương nơi mái chùa mở lớp dạy học, sáng tác thi ca. Tại đây 2 tác phẩm văn học nổi tiếng được ra đời đó là: Lục Vân Tiên và Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc đã tạo thêm sức mạnh ý chí mãnh liệt cho các nghĩa sĩ vì nghĩa lớn hy sinh cho dân tộc.

Hiện tại chùa đang lưu giữ 2 tấm bia “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu xây dựng năm 1973, tấm bia trích bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” xây dựng năm 1998.

Điểm đến thứ 2 là Chùa Long Phước. Đây là ngôi cổ tự được bài trí theo hệ Tam giáo đồng quy có kiến trúc giao thoa giữa các hệ Bắc truyền, Nam truyền.

Đồng với thờ Phật, là thờ các vị tứ Thánh, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Hiện nhà chùa còn lưu giữ các bộ tượng Ngọc Hoàng Thượng đế, Ngọc Diệm Thiên Vương, Thánh Mẫu v.v…

Ngôi cổ tự nằm bên bờ nam sông Vàm Cỏ Tây có sức hút đối với Phật tử quanh vùng.

Kiến trúc của chùa theo mô hình Tứ trụ, mái nối liền đều 4 phía, mỗi cạnh rộng 12 mét, chính giữa có 4 cột (tứ trụ) rộng 3m, cột gỗ đường kính 30cm, cao 7m. Nóc chùa cao khoảng 9m; tiếp theo là 12 cột gỗ hàng nhì, 20 cột hàng ba và 2 cột gỗ hàng tư.. Nóc chùa có trang trí rồng chầu thái dương bằng men sứ màu xanh lam. Vách ván bổ kho (ván ghép theo khung gỗ), sau trùng tu xây bằng gạch đinh với vôi và mũ cây ô dước. Chính giữa chính điện có vách gỗ ngăn ngang, trước vách lập gian thờ Phật. Mái lợp ngói âm dương (chủng loại đại tiểu). Kiến trúc chùa nhìn từ trên xuống giống hình chữ khẩu (có thể gọi là chữ Quốc).

Điểm đến thứ 3 là Tịnh xá Ngọc Tâm (địa chỉ 253/14, Nguyễn Thông, phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An ) do NT. Thích Nữ Minh Liên thành lập năm 1955 trên khu đất do Kiến và họ Huỳnh hiến cúng.

Năm 1983, chánh điện trùng tu bằng bê-tông cốt thép theo kiến trúc bát giác. Hằng năm, tịnh xá tổ chức khóa tu thiền thất định kỳ cho Ni giới Khất sĩ, An cư Kiết hạ, Đại lễ Phật Đản, lễ Vu lan.

Bên cạnh, các đạo tràng Bát quan trai, trì chú Đại bi, Niệm Phật được tổ chức hằng tháng để tạo duyên cho hàng Phật tử.

Từ tháng 8-2003, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh thành lập bếp ăn từ thiện đặt cơ sở tại tịnh xá Ngọc Tâm. Lúc đầu, bếp ăn mỗi ngày phát khoảng 150 suất cơm, đến nay 700 suất mỗi ngày. Tinh xá có nhiều hoạt động từ thiện như đào giếng, xây cầu, cất nhà tình thương, cấp học bổng cho học sinh nghèo…hàng năm trên hai tỷ đồng.

Một số hình ảnh tiếp đón đoàn:

Tin Ảnh: Phật Giáo Long An

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *